Ngày 19/2 vừa qua, thông tin chính thức về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam đã được Cục thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo để thông tin cho người dân.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở đâu?
Cho đến nay, đã có 8 ổ dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Theo UBND huyện Yên Mỹ, tại xã Yên Hòa có 7 hộ chăn nuôi có đàn lợn nghi mắc dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể vào giữa tháng 2/2019, hộ gia đình anh Lê Văn Nghĩa cùng 6 hộ chăn nuôi khác thuộc thôn Khoá Nhu 2, huyện Yên Mỹ, xã Yên Hoài nhận thấy một số lượng lợn bỏ ăn và có triệu chứng bệnh. Anh Nghĩa đã nhanh chóng báo cho chính quyền địa phương. Cơ quan thú y địa phương và trung ương đã tiến hành xét nghiệm 29 mẫu. Kết quả cho thấy 12/29 mẫu dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương tiến hành thiêu huỷ toàn bộ số lượng lợn mắc bệnh. Ở TP.Hưng Yên đã thiêu là 33 con; ổ dịch ở huyện Yên Mỹ 101 con; ổ dịch ở Thái Bình là 123 con, chủ yếu là lợn con theo mẹ, lợn choai.
Dịch tả lợn châu Phi là gì và đến Việt Nam bằng cách nào?
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết dịch bệnh có thể do chim di cư từ các nước như Trung Quốc, Mông Cổ. Hiện tại các nước này và một số nước khác cũng đang có dịch. Ngoài ra, kể lưu lượng người, phương tiện qua lại biên giới phía Bắc rất lớn. Việc nhập lậu lợn qua biên giới chưa được kiểm soát, đã có nhiều vụ buôn lậu lợn và sản phẩm từ lợn được phát hiện.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (OIE), bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh xuất hiện từ những năm 1921 tại Kenya, châu Phi. Và cho đến nay, đã có 20 quốc gia báo cáo có dịch tả heo châu Phi. Tổng cộng số lượng heo hơn 1,08 triệu con buộc phải tiêu hủy.
Một số đặc điểm cần biết của dịch tả lợn châu Phi
Loại virus gây bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn. Virus tồn tại trong thời gian 2 – 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt lợn khác. Tuy nhiên nó có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.
Tuy nhiên, bệnh không tự lây lan phát tán nhanh so với vi rút lở mồm long móng, lợn tai xanh hay dịch tả cổ điển. Hơn nữa, dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và không lây bệnh ở người.
Triệu chứng lợn mắc dịch tả lợn châu Phi
- Theo nghiên cứu của OIE, bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 – 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.
- Lợn sốt cao 41-42oC liên tục trong 4 ngày
- Lợn ủ rũ, lờ đờ, suy nhược, ho thở khó, run, đi loạng choạng và bỏ ăn
- Xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng, và mặt đùi sau chân
- Máu chảy ra từ mũi, miệng, hậu môn
- Có triệu chứng hoại tử
Phòng bệnh và chữa dịch tả lợn châu Phi như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào để chữa cho lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy.
Tuy nhiên, vẫn có 1 số biện pháp người dân có thể áp dụng để phòng bệnh cho lợn
- Thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh
- Tăng cường diệt côn trùng
- Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt lợn bệnh
- Nhập lợn có nguồn gốc rõ ràng
- Tăng cường chăm sóc đàn lợn chu đáo
- Hạn chế nhân viên ra khỏi trại, hạn chế tối đa người vào trại
- Cổng xuất và cổng nhập phải có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng
- Khi có lợn bệnh; nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển đi nơi khác.
Để lại bình luận