Tỏi không chỉ mất mùa, mà còn rớt giá thê thảm. Thời điểm này năm 2018, tỏi tươi được mua với giá 50.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay tỏi lại chỉ được thu mua với giá từ 15.000 – 17.000 đồng/kg.
Hiện trạng của tỏi Lý Sơn
Từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn gần như không có mưa. Bà con phải thường xuyên tưới nước cho cây tỏi. Mỗi lần tưới nước đều phải trả tiền nước, điện là 120.000 đồng/lần. Không chỉ vậy, đợt này do sương mù nhiều nên cây tỏi có nhiều sâu bệnh. Phổ biến nhất là bệnh rầy nên tỏi bị úa vàng, thối gốc.
Để “cứu” những ruộng tỏi trong giai đoạn tạo củ, nông dân phải ăn ngủ trên đồng để “canh nước” cứu tỏi. Nhiều giếng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp xảy ra hiện tượng cạn kiệt hoặc bị nhiễm mặn.
Đưa tay chỉ vào ruộng tỏi gần 2 sào sắp cho thu hoạch lá héo rũ vì khô hạn tại cánh đồng Rừng Nhợ, ông Nguyễn Định, ở thôn Tây, xã An Hải buồn rầu nói: “Từ nay đến lúc cho thu hoạch cần 5-6 lần tưới nữa, vài ba ngày tới nếu trời không mưa thì chúng tôi không biết xoay xở ra sao, thời gian này tỏi cần đủ nước để “xuống củ” nhưng giờ tìm đâu ra nguồn nước, nguy cơ mất mùa giảm sản lượng là hiện hữu”.
Nông dân trồng tỏi Lý Sơn và gánh nặng khi tỏi mất mùa
Tại cánh đồng của xã An Hải, huyện Lý Sơn, nhiều hộ dân đã thu hoạch tỏi. Tuy nhiên, tâm trạng chung của những nông dân này đều không vui khi tỏi năm nay mất mùa.
Bà Nguyễn Thị Trúc, một nông dân trồng tỏi cho biết. “Nếu tính chi phí giống, cát, các loại thuốc, điện nước thì mỗi sào đã tốn từ 12 – 15 triệu đồng. Với thực trạng cây tỏi của gia đình tôi năm nay thì chắc chắn bị lỗ vốn. Đặc biệt, giá tỏi không chỉ thấp mà còn ít thương lái thu mua. Bởi hiện nay số tỏi khô vẫn còn tồn đọng trong gia đình một số hộ dân cũng như các cơ sở thu mua”
Huyện đảo Lý Sơn có gần 4.000 hộ nông dân làm nông nghiệp với 3.200 ha đất trồng hành, tỏi. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết giá tỏi thấp là do hiện nay gần như địa phương nào cũng trồng được tỏi. Tuy nhiên, nhiều cá nhân đưa tỏi từ nơi khác về trà trộn để bán dưới thương hiệu tỏi Lý Sơn. Điều này làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín đối với người tiêu dung
Tỏi Lý Sơn là một mặt hàng nông sảnđã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể từ năm 2009. Tuy nhiên, thời gian gần đây mặt hàng này bị ứ đọng số lượng lớn.
Không phải mọi nông dân đều thất thu khi trồng tỏi Lý Sơn
Cũng là tỏi Lý Sơn, nhưng hiện tại có anh Nguyễn Văn Định, thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn đang trồng, kinh doanh tỏi “sạch 100%”. Tỏi của anh Định đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Sự khác biệt trong cách trồng tỏi của anh là dùng mùn rác hữu cơ của nhà máy rác. Và hoàn toàn không dùng phân hóa học.
Ngoài lớp phân mùn (rải giữa 2 lớp đất thịt và cát trước khi xuống giống) mua với giá 600 đồng/kg, với số lượng sử dụng 500 – 700 kg/sào, sau đó chỉ tưới nước, chăm sóc chứ không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Đầu tư theo kiểu này chỉ tốn khoảng 8 triệu đồng/sào nhưng năng suất tỏi không bị giảm. Sản lượng tỏi ước đạt 600 – 700 kg tỏi tươi/sào.
Hiện, tỏi sạch được anh Định bán với giá hơn 200.000 đồng/kg. Tuy thế nhưng tỏi của anh vẫn được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Anh Định cho biết, trong thời gian tới, anh sẽ tăng diện tích và liên kết với một số hộ dân trên đảo để trồng theo hướng mới này.
Theo Dân Việt và TTXVN
Để lại bình luận