Hiện nay, cánh đồng lúa ở xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã chín vàng. Nhiều ruộng lúa bị đổ sập nhưng nông dân vẫn chưa vội thu hoạch, chờ giá lên. Nhiều thương lái trước đây đặt “hứa miệng” với nông dân sẽ mua lúa tươi (lúa thường) giá 4.500 đồng/kg, nay lại “hạ” xuống còn khoảng 4.200 đồng/kg. Dù bị ép giá nhưng lúa đã chín rộ, nông dân đành phải bán mà không khỏi ngậm ngùi
Vụ lúa mà mọi thứ đều tăng trừ giá bán
Đông xuân 2018-2019 là vụ lúa mà mọi thứ đều tăng, ngoại trừ… năng suất và giá bán!. Nông dân Võ Văn Cọp (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, bình quân mỗi công lúa cho năng suất 1 tấn. Những năm nay do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, năng suất lúa giảm rất mạnh. Mỗi công mất từ 200-300kg, có nơi, một công chỉ thu hoạch được 600kg/công”.
Ông Cọp nói và cho hay, trong khi năng suất giảm thì giá phân bón, thuốc… lại tăng 30% so với năm trước. Người dân chưa hết khổ sở thì giá lúa lại liên tục giảm sâu. Từ mùng 6 đến mùng 10 tháng giêng, thương lái bỏ cọc với giá 4.500 đồng /kg lúa IR50404. Qua mùng 10 thì giảm 100 đồng/kg, rồi từ rằm tháng giêng tới nay chỉ còn 4.300 đồng/kg.
Chính phủ giải cứu lúa
Trước tình hình tiêu thụ lúa gạo khó khăn vì giá lúa giảm liên tục từ cuối năm 2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Ngoài ra, còn có một số giải pháp khác như các tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định. Đồng thời khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNN tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân.
Nông dân đứt ruột vì giải cứu lúa chậm trễ
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tăng cường thu mua gạo vụ đông xuân 2018 – 2019, giá lúa ở ĐBSCL đã bắt đầu nhích lên. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra rất chậm, nhỏ giọt, và giá chỉ tăng ở một vài giống lúa, như IR50404 tăng 100 đồng/kg. Thậm chí, một số nơi, giá lúa vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nông dân nói vui rằng, giá tăng ở đâu chứ không tăng ở ruộng.
Giá lúa tăng không làm các nông hộ vui lên. “Phần lớn lúa, nông dân ở đây đã bán hết. Số còn lại chưa thu hoạch, thì đã nhận cọc của thương lái. Nhận giá nào thì phải bán giá đó, cho dù giá có tăng cũng phải chịu”, ông Võ Tấn Phong chua chát nói.
Toàn phường Trường Lạc, quận Ô Môn vụ đông xuân này xuống giống 1.281 ha. Đến nay chỉ còn khoảng 300 ha chưa thu hoạch. Số diện tích này phần lớn nông dân đã nhận cọc của thương lái với giá dao động từ 4.400 đồng/kg.
Nông dân Bảy Thắng (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) trồng 12 công lúa IR50404. Nghe tin giá lúa tăng, ông Bảy không mừng mà còn tiếc đứt ruột. Bởi trước đó, cận ngày thu hoạch, lúa sắp chín rục ngoài đồng. Ông buộc lòng phải bán với giá chỉ 4.300 đồng/kg. Những hàng xóm của ông Bảy tính trữ lúa lại chờ giá lên, nhưng sau cùng đành bán tháo bán đổ. “Giá lúa tăng chỉ làm nông dân bức xúc. Giá như ngành chức năng can thiệp điều chỉnh giá ngay từ đầu vụ thì nông dân bớt khổ”.
Làm gì để không phải giải cứu lúa trong tương lai?
“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”, Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc.
Vậy chúng ta có thể làm gì để giải cứu cho nông dân trong lúc nguy cơ này? Nhà nước nên cho nông dân trực tiếp vay số tiền nhỏ để thanh toán nợ nần. Đến khi giá lúa tăng lại và bán được lúa thì họ sẽ hoàn tiền vay. Đây là phương án Nhà nước bảo hộ quyền lợi của nông dân.
Về lâu dài, chúng ta không nên tập trung để sản xuất dư thừa quá nhiều lúa gạo. Giải pháp đồng bộ, nhiều mũi giáp công có điều phối nhịp nhàng trong lúc này rất cần. Chuyên gia thương thuyết, mở thị trường quốc tế hoặc tìm thị trường các sản phẩm từ nông nghiệp khắp các vùng sinh thái của đất nước.
Cần xóa bỏ tình trạng sản xuất thặng dư, không biết đầu ra rõ ràng, xóa bỏ tình trạng ăn xổi ở thì của các doanh nghiệp trung gian. Hạn chế những thất bại của các doanh nghiệp vì không được Nhà nước giúp đỡ. Tiến tới giúp nông nghiệp và nông dân nước ta sung túc, thịnh vượng.
Theo zing.vn, vov.vn, tuoitre.vn
Để lại bình luận